Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Yên Dương phát triển thương mại dịch vụ
Sau nhiều năm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp người dân xã Yên Dương (Ý Yên) làm giàu từ đồng đất quê hương. Ngoài đổi mới sản xuất nông nghiệp, tạo ra khối lượng nông sản lớn và chất lượng, người dân địa phương còn phát triển thêm nghề phụ và tổ chức tốt các khâu dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập. Từ một xã thuần nông, đến nay Yên Dương đã trở thành điểm sáng của huyện về phát triển thương mại dịch vụ; định vị được “thương hiệu” nhiều sản phẩm của xã như rau màu vụ đông, đồ mỹ nghệ và sản phẩm may mặc trên thị trường nội địa. Đến nay, giá trị thu nhập từ CN-TTCN - thương mại dịch vụ của xã đạt trên 200 tỷ đồng/năm, chiếm 60% trong tổng cơ cấu kinh tế địa phương. 


Lán tập kết rau màu vụ đông chuẩn bị xuất bán 
tại khu vực cánh đồng xã Yên Dương. 


Để tạo được bước đột phá này, Đảng ủy, UBND xã đã lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế biến lợi thế đất đai thành lợi ích kinh tế; nhân cấy nghề mới cho người dân địa phương và tổ chức tốt các khâu dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm. Xã tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi và các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất theo tiêu chí NTM. Theo đó, hệ thống đường trục xã, liên xã dài 4,15km, đường trục thôn, xóm dài trên 16,2km cùng 71,5km giao thông nội đồng; 3,2km kênh mương cấp 3 do xã quản lý đã được kiên cố hóa đạt chuẩn và trên chuẩn NTM, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Xã cho xây dựng các lán dừng nghỉ tập trung tại một số xứ đồng giáp với Quốc lộ 38B làm nơi cho bà con tập kết nông sản vào lúc thu hoạch kết hợp giao dịch buôn bán, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Xã cũng đã đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng, hỗ trợ về thủ tục để các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đã có hàng trăm lượt hộ gia đình được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất từ các ngân hàng: NN và PTNT, CSXH với tổng dư nợ trên 53 tỷ đồng. Đây là những tiền đề quan trọng để nhân dân trong xã yên tâm đầu tư sản xuất, mở rộng ngành nghề kinh doanh. Trong nông nghiệp, xã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Diện tích đồng màu được khai thác tối đa trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: Ớt xuất khẩu, khoai tây, cà chua…; thực hiện mô hình trồng rau hữu cơ, rau VietGap, rau sạch theo công nghệ Nhật Bản tại thôn Cẩm, thôn Khả Lang và nhiều thôn, xóm khác. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản theo quy mô trang trại, gia trại để có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, thuận lợi tiêu thụ… Trung bình mỗi năm, xã tiêu thụ trên 700 tấn lạc; hàng nghìn tấn rau màu các loại, với tổng giá trị trên 62,5 tỷ đồng. Ngoài đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xã chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị của tỉnh và huyện tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các nghề: may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, thêu ren, cơ khí… Ngoài chương trình hỗ trợ của huyện, của UBND tỉnh, xã đã khuyến khích các cơ sở sản xuất mời nghệ nhân, người có tay nghề giỏi ở các làng nghề truyền thống trong huyện như Yên Xá, Yên Ninh, Yên Trị để truyền nghề cho nhân dân. Do đó, nghề mộc mỹ nghệ của xã dù còn mới mẻ so với các xã khác trong huyện nhưng đã có đội ngũ thợ với tay nghề điêu luyện nên sản phẩm làm ra đã nhanh chóng thu hút một lượng lớn khách hàng. Nghề may gia công xuất khẩu của xã cũng nhanh chóng phát triển, nhiều hộ trở thành cơ sở may vệ tinh cho các doanh nghiệp may lớn trong và ngoài tỉnh, như: Cty CP May 27-7 (Hà Nam), Cty Dệt may Đức Anh (TP Nam Định), Cty CP May Garnet (Hàn Quốc)… Đến nay, toàn xã đã có 120 cơ sở sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ; 5 cơ sở may công nghiệp và một số cơ sở thêu ren lớn thu hút gần 1.500 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 10 triệu đồng/người/tháng… Một số cơ sở may tiêu biểu của các hộ anh Bùi Văn Thắng, Bùi Văn Quyên, Nguyễn Văn Hải, Lê Văn Đoàn cùng ở thôn Cẩm, thôn Dương… đạt thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Sản xuất phát triển đã tạo cơ hội cho dịch vụ cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào, vận chuyển hàng hóa, chế biến nông, thủy sản và tiêu thụ sản phẩm nhanh chóng phát triển. Ví như rau màu được tiêu thụ chủ yếu qua kênh thương mại của các HTXNN; sản phẩm ba ba gai của 15 hộ nuôi trong xã chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đầu mối thu mua của anh Đào Văn Bình ở thôn Dương; sản phẩm may mặc xuất khẩu của 1/3 cơ sở may mặc trong xã được trung chuyển qua Cty TNHH Trường Giang, thôn Cẩm do anh Lê Văn Đoàn phụ trách hay sản phẩm thêu ren của 100 lao động thường xuyên trong xã đều do hộ ông Trần Văn Minh, thôn Vũ Xuyên làm đầu mối cung ứng mẫu mã, nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. 

Thời gian tới xã Yên Dương tiếp tục phát huy cách tổ chức sản xuất mới của người dân, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách cho các mô hình, các hộ sản xuất TTCN và thương mại, dịch vụ phát triển về quy mô, nâng cao chất lượng các mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Xã phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm vào năm 2020, sớm đạt mục tiêu trở thành xã NTM bền vững./.



Cơ quan chủ quản: Xã Yên Dương - Huyện Ý Yên
Địa chỉ: Xã Yên Dương - huyện Ý Yên- tỉnh Nam Định
Email: xayenduong.yyn@namdinh.gov.vn
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang